‘Quy trình’ - nghiệt ngã của xã hội Việt Nam

Đào Đức Thông (VNTB)

Thứ nhất hậu duệ, thứ nhì tiền tệ, thứ ba quan hệ, thứ tư trí tuệ là câu nói ám chỉ thứ tự ưu tiên trong việc bổ nhiệm cán bộ hiện nay trong xã hội Việt Nam, là thứ tự những tiêu chí trong việc xét bổ nhiệm các vị trí trong công tác nhân sự, phổ biến là ở các cơ quan công quyền, như việc bổ nhiệm cán bộ.

Theo đó thì thứ tự ưu tiên của việc bổ nhiệm công tác nhân sự sẽ là:

1. Thứ nhất hậu duệ, tức là con ông cháu cha, con cháu của những người đang làm ở các vị trí đương thời.
2.Thứ nhì là phải có tiền để chạy công việc.
3. Thứ ba là phải có quan hệ với những người đang làm ở các vị trí trong cơ quan đấy.
4. Thứ tư mới xét đến năng lực trí tuệ của người đó.

Tư duy này vốn xuất phát từ văn hoá làng của người Việt. Ngày xưa cùng quê, đồng hương, cùng họ là có thể nâng đỡ nhau. Tất cả cùng chung sức đầu tư để đẩy một ai đó lên cao rồi tất cả bám vào và cùng trèo lên hưởng lộc. Khi bản thân đã có lộc thì lại lo cho con cháu, cứ thế mà xoay vần thành quy luật, thế nên những cô chiêu cậu ấm vắt mũi chưa sạch đang còn trong tuổi ham ăn mải chơi thì đã được bố dúi cho cái quyết định làm cán bộ vào tay. Phụ huynh không cần biết chất xám và bản lĩnh của con mình thế nào nên mới sinh ra một lũ  cán bộ non lố nhố đầu tôm đuôi tép nhưng vẫn “đúng quy trình”.

Tại phiên họp ngày 22/5/2017 Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, một con số được đưa ra chứng minh cho hậu duệ, quan hệ là, có 9 địa phương đã bổ nhiệm tổng cộng 58 người nhà gây bức xúc dư luận thời gian qua gồm: Hà Giang, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, Đắk Lắk, Bình Định, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu, Yên Bái, Đà Nẵng.

Hiện này có nhiều cán bộ được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo cơ quan Nhà nước, đứng phát biểu thao thao bất tuyệt nhưng nói không ai hiểu gì, rời tờ giấy ra là trí tuệ không thể hiện được, viết sẵn đọc còn khó khăn, đó là do năng lực tư duy hạn chế, điều hành sao đặng. Đây không còn là hiện tượng riêng lẻ, mà khá phổ biến. Cứ xếp ghế cho ngồi thoải mái, dư có Nhà nước chịu. Năng lực như vậy mà điều hành thì chỉ có rối loạn đất nước.

Từ khi có cái quy trình đã làm cho văn hoá thứ nhất hậu duệ, thứ nhì tiền tệ, thứ ba quan hệ, thứ tư trí tuệ trong xã hội Việt Nam được mùa phát triển, quy trình bồi dưỡng cán bộ nguồn, quy trình luân chuyển, quy trình giới thiệu vào các vị trí chủ chốt, quy trình đại hội để bầu ra những người xuất sắc đã có trong quy trình.

Bất kì ai không nằm trong cái quy trình ấy sẽ không có cơ hội, dù có tài thế nào. Thật là quan ngại trong cách điều hành quản lý, công tác tổ chức cán bộ ở ta hiện nay. Những hạn chế bởi quy trình khiến cho các cán bộ công chức trẻ có năng lực thật sự, có mưu cầu cống hiến cho quê hương cảm thấy hoang mang. Thế là với tiêu chí nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, bốn trí tuệ, người ta  bằng mọi hình thức để làm thế nào chui được vào cái “lồng quyền lực” vậy thì tham nhũng phải xảy ra là điều tất yếu trong bộ máy công chức Nhà nước Việt Nam.

Cái lồng quyền lực và quy trình đó nhốt toàn chó sói, cáo mũi nhọn, chuột thành tinh, v.v… Và đó là nguồn để bầu cán “thó” đào tường khoét nghạch của dân.

Biết bao trí sỹ nhân tài thực thụ thì cơ hội không có, nằm hết ngoài quy trình!

Chống tham nhũng thì phải đập bỏ cái quy trình mà phát triển tự do. Công chức Nhà nước phải thi cử tranh cử công khai, ai có tài thì được mời vào làm việc khi họ vào vị trí rồi thì bồi dưỡng chính trị cho họ để gọi là đúng quy trình. Các cụm từ “đúng quy trình”, “ bổ nhiệm thần tốc”  gần đây xuất hiện với tần suất rất lớn gây ra sự mệt mỏi không hề nhỏ đối với người dân khi nói đến phương thức quản lý Nhà nước, những sai phạm ở một số lĩnh vực, bộ ngành.

Bởi cái quy trình theo lối văn hoá Việt mà bao nhiêu quan chức tham nhũng vướng vào lao lý, quan to ăn to quan bé ăn nhỏ từ trung ương đến địa phương cứ có cơ hội là ăn cắp, chiếm đoạt tài sản của Nhà nước mà tài sản của Nhà nước đó chính là tiền thuế bằng mồ hôi công sức của nhân dân là tài nguyên đất nước đào bới lên bán lấy tiền.

Bao nhiêu doanh nghiệp quả đấm thép của Nhà nước Việt Nam là bấy nhiêu doanh nghiệp thua lỗ nợ nần chồng chất để đến nỗi cả cái thể chế lung lay đến mức báo động cho sự sụp đổ đương nhiên mà không có lối thoát.

Mang tiếng toàn là những cái đầu lãnh đạo gọi là “tinh hoa” tự nhận là dân bầu mà không nhìn ra được cái gốc của sự sụp đổ nhưng lại tuôn tự sướng ca ngợi công lao và sự thành công của mình.
Khi bao anh tài của đất nước chúng ta hiện nay ra trường còn chạy grap, uber thì đất nước Việt Nam sẽ còn tuột hậu. Nhìn lại nhà Trần mấy trăm năm trước, ba lần chiến thắng đội quân hùng mạnh số 1 thế giới, đến lúc chúng ta phải lên án “quy trình”.

Nếu quy trình đúng, mà việc bổ nhiệm vẫn chỉ xảy ra đối với người nhà thì quy trình đó đang bị lợi dụng. Còn nếu người ta thực tâm muốn tìm kiếm người tài, nhưng quy trình lại chỉ dẫn đến được việc bổ nhiệm người nhà, thì quy trình đó sai và cần được sửa đổi.

Việc bổ nhiệm người nhà chắc chắn gây ra bất công và bất bình xã hội. Nếu tất cả quyền lực công đều rơi hết vào tay người nhà, thì còn cơ hội gì cho quảng đại quần chúng nhân dân? Ngoài ra, việc bổ nhiệm người nhà còn làm tổn hại đến chất lượng của nền quản trị quốc gia.

Thứ nhất, việc cha làm quan trên, con làm quan dưới là biểu hiện trần trụi nhất của sự xung đột lợi ích. Cha quá nghiêm khắc với con, thì mọi nhà được nhờ, nhưng nhà mình lại mất nhờ và ngược lại.

Thứ hai, đưa quan hệ ruột thịt vào công vụ, sẽ rất khó xác lập kỷ cương. Không chỉ ông bố rất khó nghiêm khắc với ông con, mà tất cả các ban ngành có liên quan muốn làm gì cũng ngại. Đó là chưa nói tới chuyện ông con có thể dựa bóng ông bố mà làm cho các cơ chế kiểm tra, giám sát bị mất hết tác dụng.

Ngày xưa mỗi năm bốn mùa các vị vua thường đăng đàn làm lễ tế Trời Đất cầu cho Quốc thái Dân an.

Qua đó cũng thể hiện được cái Tâm đối với Giang sơn Xã tắc. Đó gọi là cái tâm hành động vì Dân. 

Ngày nay diễn văn của lãnh đạo rất sâu nhưng cái Tâm không hiện diện.

Thời nào cũng vậy. Nếu Quốc gia trên thuận ý Trời dưới hợp lòng Dân thì thái bình thịnh trị lâu dài. Và ngược lại tất sẽ sụp đổ, không mau cũng lâu.

Cái văn hóa quy trình dựa vào hậu duệ, tiền tệ, quan hệ  ấy tạo thành một dây, bè phái tham nhũng. Đau nhất không ở đó không có chỗ đứng cho các quan thanh liêm vì dân. Cái quy trình lợi ích nhóm luôn tồn tại ấy khiến nên văn hóa Việt Nam suy đồi, kinh tế suy thoái, chính trị thiếu ổn định. Những người phải gánh hậu quả là dân đen và con cháu đời sau. Dân chúng đã chán ngắt một hệ thống chính trị mà trong đó họ rất ít khi nhìn thấy mình. Lòng khát khao thay đổi đã làm cho không ít người dân nhẹ dạ cả tin suýt nữa trở thành thành quách chở che những kẻ vơ vét sạch sành sành của họ.

Đã đến lúc hệ thống chính trị Việt Nam cần phải được thay máu để hy vọng xây dựng một đất nước Việt Nam:  Dân chủ, Tự do và Hưng thịnh đúng nghĩa.

Để kết thúc bài này, chúng tôi xin mượn lời của nhà báo Huy Đức: “Giật mặt nạ những kẻ tham nhũng dùng vật liệu dân túy để xây lô cốt là rất cần thiết. Nhưng không thể chỉ làm việc đó bằng một quy trình chính trị nội bộ. Nơi người dân chỉ có thể đứng ngoài la ó hoặc vỗ tay. Cái quy trình đó lệ thuộc rất nhiều vào ý chí của những cá nhân. Khi những kẻ tham nhũng vận hành cái quy trình ấy đông hơn thì nhân dân bó tay…
Nếu không có nhà nước pháp quyền. Nếu các cơ quan tố tụng luôn phải chờ đợi quy trình chính trị này để túm cổ bọn sâu mọt thì những thành tích chống tham nhũng sẽ rất tạm thời và đất nước rất dễ rơi trở lại cái vòng luẩn quẩn.”

Đ.Đ.T.
VNTB gửi BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn